Header Ads Widget

Ung thư đại trực tràng

Ung thư đại trực tràng là một bệnh lý ung thư đường tiêu hóa rất phổ biến. Tại Việt Nam, theo thống kê của Globocan năm 2012, ung thư đại trực tràng có tỷ lệ mới mắc đứng thứ năm và tỷ lệ tử vong đứng thứ tư trong các bệnh ung thư.

Trong xã hội hiện đại ngày nay, do ung thư đại trực tràng có liên quan chặt chẽ với chế độ ăn uống, sinh hoạt nên tỷ lệ mắc bệnh ngày càng gia tăng.

I. Các triệu chứng của ung thư đại trực tràng

Ung thư đại trực tràng giai đoạn sớm các triệu chứng âm thầm, kín đáo nên rất khó phát hiện. Do vậy, khi có một trong các dấu hiệu sau, chúng ta nên tới các cơ sở y tế để được thăm khám:

· Sự rối loạn đại tiện như tiêu chảy, táo bón kéo dài hoặc đi phân mỏng và dẹt như lá lúa.

· Cảm giác buồn đi ngoài thường xuyên, đi ngoài không hết phân.

· Đại tiện ra máu lẫn với phân, đại tiện phân màu đen.

· Đau bụng thường xuyên.

· Mệt mỏi thường xuyên.

· Sút cân không rõ nguyên nhân



II. Các yếu tố nguy cơ của ung thư đại trực tràng

Các loại ung thư khác nhau sẽ có các yếu tố nguy cơ khác nhau. Có một số yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được như: hút thuốc, chế độ ăn… nhưng cũng có các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi như: tuổi, tiền sử gia đình… Việc có một hoặc thậm chí nhiều yếu tố nguy cơ cũng không có nghĩa là chắc chắn sẽ bị bệnh và ngược lại, một số bệnh nhân bị ung thư nhưng lại không mang yếu tố nguy cơ nào. Với ung thư đại trực tràng, các yếu tố nguy cơ bao gồm 02 nhóm:

2.1. Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi:

+ Béo phì.

+ Ít vận động thể dục thể thao.

+ Chế độ ăn nhiều thịt đỏ (thịt bò, lợn, cừu, gan…) và thịt chế biến công nghiệp (xúc xích, thức ăn nhanh, đồ chiên xào…), thịt nấu ở nhiệt độ rất cao (thịt nướng, thịt rán…).

+ Hút thuốc lá.

+ Sử dụng nhiều đồ uống có cồn (rượu, bia…).

2.2. Các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi:

+ Tuổi cao: nguy cơ bị ung thư đại trực tràng tăng cao rõ rệt sau 50 tuổi.

+ Tiền sử đã bị polyp (đặc biệt là nhiều polyp) hoặc ung thư đại trực tràng.

+ Tiền sử bị viêm đại trực tràng mạn tính bao gồm cả bệnh Crohn.

+ Tiền sử gia đình có người bị ung thư đại trực tràng hoặc đa polyp tuyến đại trực tràng: theo thống kê trong 5 bệnh nhân ung thư đại trực tràng thì sẽ có 1 bệnh nhân có thành viên trong gia đình cũng bị ung thư đại trực tràng, thường gặp nhất là: bố mẹ, anh chị em ruột.

+ Các hội chứng di truyền: 5 – 10% bệnh nhân ung thư đại-trực tràng có các đột biến gen di truyền, phổ biến nhất là các trường hợp bị đa polyp dạng tuyến gia đình (familial adenomatous polyposis - FAP) và hội chứng Lynch (ung thư đại tràng không đa polyp di truyền – hereditary non-polyposis colon cancer – HNPCC). Các bệnh nhân này thường bị bệnh khi tuổi còn khá trẻ.

+ Chủng tộc và dân tộc: người Mỹ gốc Phi và người Do Thái gốc Đông Âu có tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư đại trực tràng cao nhất trong các nhóm chủng tộc.

+ Đái tháo đường tuýp 2: bệnh nhân đái tháo đường type 2 có nguy cơ cao và tiên lượng kém hơn khi được chẩn đoán bị ung thư đại trực tràng.

III. Dự phòng ung thư đại trực tràng:

Không thể dự phòng hoàn toàn nhưng có thể giảm nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng bằng cách khám sàng lọc và kiểm soát các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được.

3.1. Khám sàng lọc ung thư đại trực tràng:

Một polyp đại trực tràng cần thời gian 10-15 năm để có thể phát triển thành ung thư. Do đó khám sàng lọc là vũ khí quan trọng nhất giúp chẩn đoán sớm và điều trị ung thư đại trực tràng. Vài chục năm gần đây, tỷ lệ tử vong do ung thư đại trực tràng đã giảm và một trong những lý do là nhờ việc phát hiện sớm được các polyp và xử lý trước khi chúng phát triển thành ung thư.

Ngoài ra, sàng lọc cũng giúp phát hiện ung thư đại trực tràng ở giai đoạn sớm, khi khối u còn nhỏ, chưa xâm lấn, di căn. Khi đó, tỷ lệ sống thêm tương đối sau 5 năm đạt tới 90%.

Hiện này, Sở y tế Hà Nội đang triển khai chương trình Tầm soát ung thư đại trực tràng miễn phí cho người dân. Theo đó, từ tháng 11/2017, người dân từ 40 tuổi trở lên, thường trú tại tại Hà Nội và có thẻ BHYT do BHXH Hà Nội cấp sẽ được khám sàng lọc phát hiện sớm ung thư đại trực tràng miễn phí. Tính đến ngày 15/03/2018, trong số hơn 122.000 người dân tại 10 quận, huyện của Hà Nội được sàng lọc, đã có hơn 6.600 ca dương tính (chiếm khoảng 6%).

3.2. Kiểm soát các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được:

+ Giảm cân, chữa béo phì.

+ Luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên (tối thiểu 30 phút mỗi ngày).

+ Chế độ ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi, ngũ cốc nguyên hạt, hạn chế thịt đỏ và thịt đã qua chế biến công nghiệp.

+ Không uống bia, rượu.

+ Không hút thuốc lá.

+ Bổ sung Canxi và Vitamin D.

+ Sử dụng Aspirin và các thuốc Non-steroid khác cũng làm giảm nguy cơ bị ung thư đại trực tràng. Tuy nhiên các thuốc này gây tác dụng phụ trên dạ dày, do đó cần được sự hướng dẫn của bác sỹ trước khi quyết định sử dụng thường xuyên các loại thuốc này.

(Xem thêm: Thuốc tăng cường hệ miễn dịch)

+ Liệu pháp hormone cho phụ nữ mãn kinh: dùng estrogen và progesterone sau khi mãn kinh làm giảm nguy cơ bị ung thư đại trực tràng nhưng có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú và bệnh lý tim mạch. Do đó cần sự hướng dẫn của bác sỹ về các lợi ích và nguy cơ trước khi sử dụng liệu pháp hormon.

IV. Các phương pháp sàng lọc phát hiện sớm ung thư đại trực tràng:

4.1. Các phương pháp giúp phát hiện cả polyp và ung thư đại trực tràng:

· Nội soi đại tràng sigma ống mềm: là kỹ thuật xâm nhập có thể đánh giá trực tiếp tổn thương và can thiệp sinh thiết khối u hoặc cắt bỏ các polyp.

· Nội soi đại tràng: đánh giá toàn bộ đại tràng và trực tràng, có thể sinh thiết khối u hoặc cắt bỏ các polyp nếu phát hiện.

· Chụp khung đại tràng cản quang: đây là kỹ thuật không xâm nhập, nếu chụp mà phát hiện hoặc nghi ngờ ung thư đại trực tràng thì vẫn phải tiến hành soi đại tràng để chẩn đoán xác định.

· Chụp cắt lớp vi tính đại tràng: là kỹ thuật không xâm nhập, dùng trong những trường hợp bệnh nhân không muốn hoặc không thể nội soi đại trực tràng ống mềm. Tuy nhiên không thể sinh thiết khối u hoặc cắt polyp.

4.2. Các phương pháp chỉ để phát hiện ung thư đại trực tràng:

· Xét nghiệm tìm máu tiềm ẩn trong phân (Fecal occult blood test): do các polyp lớn và đặc biệt các khối u đại trực tràng có rất nhiều các mạch máu (mạch nuôi). Chúng dễ bị tổn thương khi cọ xát với phân, gây chảy máu vi thể (hiếm khi nhìn thấy bằng mắt thường) và máu này sẽ dính theo phân đi ra ngoài. Đây là xét nghiệm đơn giản, dễ làm với chi phí thấp, có thể tiến hành tại nhà. Tuy nhiên, máu trong phân có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như polyp, ung thư, viêm loét đại trực tràng, trĩ… Do đó nếu xét nghiệm dương tính bắt buộc phải nội soi đại trực tràng để chẩn đoán xác định.

· Xét nghiệm hóa miễn dịch phân (Fecal immunochemical test): phát hiện hemoglobin protein là thành phần trong hồng cầu của người. Xét nghiệm này còn chưa phổ biến tại Việt Nam.

· Xét nghiệm DNA trong phân (stool DNA test): phát hiện các bất thường AND do đột biến gen của các tế bào ung thư đại trực tràng. Xét nghiệm này cũng chưa được phổ biến tại Việt Nam.

V. Khuyến cáo của Hội Ung thư Mỹ về sàng lọc ung thư đại trực tràng:

Đối với người có nguy cơ mắc bệnh trung bình và trên 50 tuổi:

· Nội soi đại tràng sigma ống mềm 5 năm/lần.

· Nội soi đại tràng 10 năm/lần.

· Chụp cản quang kép dùng thuốc thụt barium 5 năm/lần.*.

· Chụp cắt lớp vi tính đại tràng 5 năm/lần.*.

· Xét nghiệm tìm máu tiềm ẩn trong phân hàng năm*.

· Xét nghiệm hóa miễn dịch phân hàng năm*.

· Xét nghiệm tìm DNA 3 năm/lần.*.

*: Nếu kết quả các xét nghiệm này dương tính thì bắt buộc phải nội soi đại trực tràng ống mềm để kiểm tra.

Nguồn: BenhTri.net